Bối cảnh Graf Zeppelin (lớp tàu sân bay)

Công việc chế tạo Graf Zeppelin tại Kiel, năm 1938

Wilhelm Hadeler đã là Giáo sư trợ giảng về Kiến trúc Hải quân tại Đại học Kỹ thuật Berlin được chín năm khi ông được chỉ định lập ra những thiết kế sơ thảo cho tàu sân bay vào tháng 4 năm 1934.[1] Thỏa thuận Hải quân Anh-Đức ký vào ngày 18 tháng 6 năm 1935 cho phép Đức có thể chế tạo tàu sân bay với trọng lượng choán nước lên đến 38.500 tấn.[2] Vào năm 1935, Adolf Hitler tuyên bố Đức sẽ chế tạo tàu sân bay để tăng cường cho Hải quân Đức. Một sĩ quan thuộc Không quân Đức, một sĩ quan hải quân và một nhà thiết kế hàng hải đã viếng thăm Nhật Bản vào mùa Thu năm 1935 để tiếp thu những bản vẽ của sàn đáp và thiết bị cùng việc khảo sát chiếc tàu sân bay Akagi.[3] Lườn của Graf Zeppelin được đặt vào năm tiếp theo. Hai năm sau đó, Đại Đô đốc (Großadmiral) Erich Raeder trình bày chương trình đóng tàu đặt tên Kế hoạch Z đầy tham vọng, trong đó bốn tàu sân bay sẽ được đóng cho đến năm 1945. Đến năm 1939, ông sửa đổi kế hoạch, giảm số lượng xuống còn hai chiếc.

Hải quân Đức luôn duy trì một chính sách chỉ đặt tên cho một con tàu khi nó được hạ thủy. Tàu sân bay Đức đầu tiên, được đặt lườn dưới tên gọi "Flugzeugträger A" ("Tàu sân bay A"), được đặt tên Graf Zeppelin khi được hạ thủy vào năm 1938. Chiếc thứ hai, không được hạ thủy, chỉ được mang tên hiệu "Flugzeugträger B", nhưng nhiều khả năng là nếu hoàn tất sẽ được đặt tên là Peter Strasser.[4]

Graf Zeppelin được hạ thủy, 8 tháng 12 năm 1938.

Các buổi hội nghị của Hitler cùng với Hải quân Đức, qua những bản ghi chép thu được sau khi Đế chế thứ ba sụp đổ, cho thấy Quốc trưởng ngày càng biểu lộ sự mất hứng thú đối với tàu sân bay. Thống chế Hermann Göring, Tư lệnh Không quân Đức, tỏ ra phật ý về mọi sự can dự vào quyền lực của ông như là người đứng đầu sức mạnh không quân của đất nước, và đã chống lại Raeder trong mọi dịp có thể. Trong binh chủng của mình, Raeder gặp sự đối đầu của Đô đốc Karl Dönitz, một chuyên gia tàu ngầm.

Không có kinh nghiệm trong việc đóng những con tàu như vậy, Hải quân Đức gặp những khó khăn trong việc áp dụng những kỹ thuật tiên tiến, như là máy phóng máy bay, cho lớp Graf Zeppelin. Những nhà thiết kế Đức đã học hỏi từ những thiết kế của Nhật Bản, nhưng chịu những áp lực phải tạo ra tàu sân bay hoạt động trên Bắc Hải so với một thiết kế "vùng biển xanh". Ví dụ như, nhiều khẩu pháo kiểu tuần dương được trang bị để đánh cướp tàu buôn và bảo vệ trước các tàu tuần dương Anh; điều này tương phản với thiết kế của Nhật và Mỹ, vốn hướng đến việc bảo vệ bởi một lực lượng đặc nhiệm và dựa trên hỏa lực mặt biển của các tàu tuần dương hỗ trợ.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Graf Zeppelin (lớp tàu sân bay) http://www.maritimequest.com/warship_directory/ger... http://www.unifiedteamdiving.com/profiles/blogs/gr... http://www.bundesarchiv.de/aktuelles/aus_dem_archi... http://www.spiegel.de/international/0,1518,428857,... http://neverhost.net/grafzeppelinn8.jpg //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... http://english.pravda.ru/russia/history/04-08-2006... http://news.bbc.co.uk/1/hi/world/europe/5223514.st... https://archive.org/details/completebookoffi0000gr... https://web.archive.org/web/20090622223056/http://...